Mệnh đề Quan hệ (Relative Clauses)

 

 

1. Mệnh đề quan hệ là gì? (Relative clauses)

? Mệnh đề quan hệ là một mệnh đề đứng sau một danh từ hoặc đại từ, có chức năng bổ nghĩa cho danh từ hoặc đại từ đó.

Định nghĩa trên có vẻ hơi trừu tượng, vì vậy chúng ta hãy xem thử mệnh đề quan hệ hoạt động trong câu như thế nào nhé!

Giả sử như bạn muốn một người bạn của mình trả lại quyển sách của mình thì chúng ta có thể nói:

  • Can I have the book?
    Bạn có thể trả mình quyển sách được không?

Nhưng nếu chỉ nói vậy, người bạn có thể không biết là quyển sách nào. Lúc này bạn có thể mô tả cuốn sách rõ hơn để gợi nhớ:

  • I gave you the book last week.
    Mình đưa cho bạn quyển sách hồi tuần trước.

Bạn hoàn toàn có thể nói 2 câu như vậy, nhưng cả 2 câu đều có đề cập đến the book, nên bạn có thể gộp lại nói một câu luôn. Lúc này chúng ta sẽ sử dụng mệnh đề quan hệ:

  • Can I have the book that I gave you last week?
    Bạn có thể trả mình quyển sách mà mình đưa cho bạn tuần trước được không?

Ví dụ mệnh đề quan hệ

 

Vậy mệnh đề quan hệ là gì?

? Mệnh đề quan hệ (MĐQH) là một mệnh đề đứng sau một danh từ để bổ nghĩa cho danh từ đó.
? Đồng thời, vì bản thân nó là một mệnh đề nên MĐQH có chủ ngữ và vị ngữ đầy đủ.
? MĐQH bắt đầu bằng một đại từ quan hệ hoặc trạng từ quan hệ.

 

2. Hai loại mệnh đề quan hệ: xác định và không xác định

✅ Tóm tắt:

Có 2 loại mệnh đề quan hệ:

  • Mệnh đề quan hệ xác định: bắt buộc phải có trong câu để bổ nghĩa cho danh từ, nếu không danh từ sẽ vô cùng tối nghĩa.
  • Mệnh đề quan hệ không xác định: chỉ đóng vai trò làm rõ nghĩa hơn cho danh từ mà không bắt buộc phải có trong câu.

 

Trong tiếng Anh có 2 loại mệnh đề quan hệ: mệnh đề quan hệ xác địnhmệnh đề quan hệ không xác định.

 

1. Mệnh đề quan hệ xác định (Defining relative clauses)

? Mệnh đề quan hệ xác định là loại mệnh đề bắt buộc phải có trong câu để bổ nghĩa cho danh từ, nếu không danh từ sẽ vô cùng tối nghĩa hoặc nghĩa thay đổi hoàn toàn.

Lưu ý: Mệnh đề quan hệ xác định còn có một tên gọi phổ biến khác là "Mệnh đề quan hệ giới hạn" (Restrictive relative clauses).

Nói không đâu xa, chúng ta có ngay ví dụ ở đầu bài học:

  • Can I have the book that I gave you last week?
    Bạn có thể trả mình quyển sách mà mình đưa cho bạn tuần trước được không?

Nếu chúng ta không dùng mệnh đề quan hệ mà chỉ nói Can I have the book? thì gần như chắc chắn là người nghe sẽ phải hỏi lại là quyển sách nào. Vì vậy, thông tin trong mệnh đề quan hệ that I gave you last week là vô cùng quan trọng.

Mệnh đề quan hệ xác định
Can I have the book that I gave you last week?

 

Mệnh đề quan hệ xác định thì không cần được ngăn cách bởi dấu phẩy.

Ví dụ:

  • The girl who is smiling at you is John's daughter.
    Cô gái đang cười với bạn là con gái của John.

 

2. Mệnh đề quan hệ không xác định (Non-defining relative clauses)

? Mệnh đề quan hệ không xác định là loại mệnh đề quan hệ chỉ dùng để làm rõ hơn về danh từ mà không bắt buộc phải có trong câu. Nếu lược bỏ nó thì một số thông tin về danh từ có thể bị thiếu, nhưng không đến nỗi câu bị tối nghĩa.

Lưu ý: Mệnh đề quan hệ không xác định còn có một tên gọi phổ biến khác là "Mệnh đề quan hệ không giới hạn" (Non-restrictive relative clauses).

Ví dụ:

  • I have lost my Oxford English Dictionary, which my teacher gave me ten years ago.
    Tôi đã làm mất cuốn từ điển tiếng Anh Oxford, cái mà thầy giáo của tôi đã cho tôi 10 năm trước.

Nếu chúng ta không dùng mệnh đề thì có thể người nghe sẽ không biết chuyện bạn được cho cuốn từ điển này từ 10 năm trước, nhưng người nghe vẫn có khả năng hiểu được là bạn đang nói đến cuốn từ điển nào một cách rõ ràng. Thông tin trong mệnh đề quan hệ which my teacher gave me ten years ago có cũng được, không có cũng không sao.

Mệnh đề quan hệ không xác định
I have lost my Oxford English Dictionary, which my teacher gave me ten years ago.

 

Mệnh đề quan hệ không xác định phải được ngăn cách bởi dấu phẩy.

Ví dụ:

  • That Canadian girl, who is smiling at you, is John's daughter.
    Cô gái người Canada đó, người đang mỉm cười với bạn, là con gái của John.

 

3. Đại từ quan hệ (Relative Pronouns)

✅ Tóm tắt:

Cách dùng các đại từ quan hệ:

  • who: thay thế cho người
  • whom: thay thế cho người ở vị trí tân ngữ
  • which: thay thế cho đồ vật hoặc sự việc
  • whose: thay thế cho các tính từ sở hữu
  • that: thay thế cho người, đồ vật, sự việc

 

  Cách dùng Ví dụ Lưu ý
who Thay thế cho người (ở vị trí chủ ngữ hoặc tân ngữ) ● That Canadian girl is his daughter.
● That Canadian girl is smiling at you.
→ That Canadian girl, who is smiling at you, is his daughter.

● The man sent us a postcard from Japan.
● We met the man in our trip.
→ The man who we met in our trip sent us a postcard from Japan.

Chúng ta có thể lược bỏ who, nhưng chỉ lược bỏ khi who ở vị trí tân ngữ trong mệnh đề quan hệ xác định.

Ví dụ như trong ví dụ 2, The man who we met in our trip sent us a postcard from Japan, chúng ta có thể lược bỏ who.

whom Thay thế cho người (chỉ ở vị trí tân ngữ) ● The man sent us a postcard from Japan.
● We met the man in our trip.
→ The man whom we met in our trip sent us a postcard from Japan.

● I spoke to the Vietnamese students
● All of the Vietnamese students were interested in learning English.
→ I spoke to the Vietnamese students, all of whom were interested in learning English.

Chúng ta có thể lược bỏ whom, nhưng chỉ lược bỏ khi whom ở vị trí tân ngữ trong mệnh đề quan hệ, và mệnh đề quan hệ đó thuộc loại xác định.

Nếu whom là tân ngữ của giới từ (như trong ví dụ 2) thì chúng ta bắt buộc phải dùng whom, không được lược bỏ.

which Thay thế cho đồ vật hoặc sự việc (ở vị trí chủ ngữ hoặc tân ngữ) ● His newest book will be made into a movie.
● His newest book was published last year.
→ His newest book, which was published last year, will be made into a movie.

● The gift is for her birthday.
● I bought the gift yesterday.
→ The gift which I bought yesterday is for her birthday.
Chúng ta có thể lược bỏ which, nhưng chỉ lược bỏ khi which ở vị trí tân ngữ trong mệnh đề quan hệ xác định.
whose Thay thế cho tính từ sở hữu của người và vật (my, your, his, her, sở hữu cách, ...) ● The baker baked the cake yesterday.
● I don't remember the baker's name.
→ The baker, whose name I don't remember, baked the cake yesterday.

● It's the house.
● The house's door is painted blue.
→ It's the house whose door is painted blue.

Sau whose phải luôn có một cụm danh từ theo ngay sau.

Có thể dùng of which để thay thế cho whose nhưng chỉ dùng với vật, không dùng với người được.

that Thay thế cho người hoặc vật (ở vị trí chủ ngữ hoặc tân ngữ) ● Where's the letter?
● The letter came yesterday.
→ Where's the letter that came yesterday?

● It's the movie.
● She hates the movie the most.
→ It's the movie that she hates the most.

Không dùng that trong mệnh đề quan hệ không xác định hoặc khi đại từ quan hệ đứng sau giới từ.

Bắt buộc phải dùng that nếu thay thế cho nhóm bao gồm cả người và vật.
Ví dụ: a man and his horse → dùng that.

Bắt buộc phải dùng that nếu thay thế cho đại từ bất định chỉ vật (everything, anything, nothing,...)

 

4. Trạng từ quan hệ (Relative adverbs)

✅ Tóm tắt:

Cách dùng các trạng từ quan hệ:

  • where: thay thế cho: Các trạng từ chỉ nơi chốn hoặc Các cụm giới từ chỉ nơi chốn
  • when: thay thế cho: Các trạng từ chỉ thời gian hoặc Các cụm giới từ chỉ thời gian
  • why: thay thế cho: Các cụm từ chỉ nguyên nhân

 

  Cách dùng Ví dụ Lưu ý
where

Thay cho:

● Các trạng từ chỉ nơi chốn (there, over here)

● Các cụm giới từ chỉ nơi chốn (in Japan, at my house)

● This is the house.
● My mother was born in the house.
→ This is the house where my mother was born.

● German is the country.
● I've lived in Germany for ten years.
→ Germany is the country where I've lived for ten years.

Nếu ta dùng mệnh đề quan hệ để thay thế cho cụm giới từ, thì thay vì where chúng ta cũng có thể dùng "giới từ + which".

Trong ví dụ 2, chúng ta cũng có thể viết "Germany is the country in which I've lived for 10 years."

when

Thay cho:

● Các trạng từ chỉ thời gian (yesterday, last night)

● Các cụm giới từ chỉ thời gian (on the 25th, at that time)

● Saturday is the only day of the week.
● I can relax on Saturday.
→ Saturday is the only day of the week when I can relax.

● I still can remember the day.
● We met on the day.
→ I still can remember the day when we met.

Nếu ta dùng mệnh đề quan hệ để thay thế cho cụm giới từ, thì thay vì when chúng ta cũng có thể dùng "giới từ + which".

Trong ví dụ 2, chúng ta cũng có thể viết "I still can remember the day on which we met."

why Thay cho các cụm từ chỉ nguyên nhân (for that reason, vân vân...) ● Tell me the reason.
● You cried for the reason.
→ Tell me the reason why you cried.

Thay vì why chúng ta cũng có thể dùng "giới từ + which".

Trong ví dụ vừa rồi, chúng ta cũng có thể viết "Tell me the reason for which you cried."

 

Lưu ý:

Trong câu mệnh đề quan hệ, có một lỗi khá phổ biến, đó là nhầm lẫn giữa ĐẠI TỪ quan hệ và TRẠNG TỪ quan hệ.

Chúng ta hãy xem thử ví dụ sau đây để hiểu rõ và tránh mắc phải lỗi này nhé:

  • Cô ấy vừa quay lại London, nơi cô ấy sinh ra. = She just came back to London where she was born.
  • Cô ấy vừa quay lại London, nơi có nhiều điểm thu hút khách du lịch. = She just came back to London, which has many tourist attractions.

Trong tiếng Việt, cả 2 câu đều dùng từ "nơi" để nói về London, nhưng trong tiếng Anh, chúng ta lại dùng trạng từ quan hệ where ở câu 1, và đại từ quan hệ which ở câu 2. Vì sao lại có sự khác biệt này? Đó là bởi vì chúng có chức năng khác nhau.

Ở câu 1, "nơi" là trạng từ chỉ nơi chốn của sự việc "cô ấy sinh ra", vì vậy phải dùng trạng từ quan hệ.

Ở câu 2, "nơi" là chủ ngữ của hành động "có nhiều điểm thu hút khách du lịch", nên không thể dùng trạng từ quan hệ, mà phải dùng đại từ quan hệ.

Để tránh nhầm lẫn như trên, chúng ta hãy ghi nhớ là:

  • Nếu đang ám chỉ đến chủ ngữ hay tân ngữ, dùng đại từ quan hệ.
  • Nếu đang ám chỉ đến trạng ngữ (các trạng từ hay cụm giới từ), dùng trạng từ quan hệ.

 

5. Một số lưu ý về mệnh đề quan hệ

✅ Tóm tắt:

  • Trong trường hợp mệnh đề quan hệ có giới từ đi kèm thì giới từ có thể đứng đầu hoặc cuối mệnh đề quan hệ.
  • Trong nói chuyện thường ngày, whom có thể được thay thế bằng who, trừ trường hợp whom là tân ngữ của giới từ
  • Có thể lược bỏ whom which khi chúng đóng vai trò tân ngữ trong các mệnh đề quan hệ xác định.

 

Giới từ trong mệnh đề quan hệ

Trong trường hợp mệnh đề quan hệ có giới từ đi kèm thì giới từ có thể đứng đầu hoặc cuối mệnh đề quan hệ.

Ví dụ:

  • The job is well paid. She applied for the job.

    • ⇒ The job (which) she applied for is well paid.
    • ⇒ The job for which she applied is well paid.
       
  • The house is big. She lives in the house.

    • ⇒ The house (which) she lives in is big.
    • ⇒ The house in which she lives is big.

 

Lưu ý là trong trường hợp giới từ đó là thuộc phrasal verb thì nó không thể đứng đầu mệnh đề quan hệ được. Ví dụ:

  • He filled out the application form yesterday. The form is sent to Mary.
    • ⇒ The application form (which) he filled out yesterday is sent to Mary.
    • ⇒ The application form out which he filled yesterday is sent to Mary.

 

Whom có thể được thay bằng who

Trong nói chuyện thường ngày, whom có thể được thay thế bằng who, trừ trường hợp whom là tân ngữ của giới từ:

  • The man whom we met in our trip sent us a postcard from Japan. = The man who we met in our trip sent us a postcard from Japan.

Tuy nhiên, khi đi thi TOEIC hay các bài thi tiếng Anh khác, chúng ta không nên thay thể whom bằng who, vì việc thay thế này có thể bị xem là "không chuẩn".

 

Lược bỏ whom và which

Có thể lược bỏ whom which khi chúng đóng vai trò tân ngữ trong các mệnh đề quan hệ xác định.

  • The man whom we met in our trip sent us a postcard from Japan. = The man we met in our trip sent us a postcard from Japan.
  • The gift which I bought yesterday is for her birthday. = The gift I bought yesterday is for her birthday.

 

Dùng which để thay thể cho mệnh đề phía trước

Chúng ta có thể dùng which để thay thể cho toàn bộ mệnh đề phía trước:

  • Our team lost the final match. That made me really sad. ⇒ Our team lost the final match, which made me really sad.
    Đội chúng tôi đã thua trận cuối cùng, điều mà khiến tôi rất buồn.

  • We will go to Hawaii this summer. I'm very excited about that. ⇒ We wiil go to Hawaii this summer, which I'm very excited about.
    Chúng tôi sẽ đi đến Hawaii vào hè này, điều mà tôi cảm thấy rất phấn khích.

 

6. Tổng kết


? Ghi nhớ:

  • MĐQH là một mệnh đề đứng sau một danh từ hoặc đại từ để bổ nghĩa cho danh từ hoặc đại từ đó.

  • MĐQH bắt đầu bằng một đại từ quan hệ hoặc trạng từ quan hệ.

  • Có 2 loại MĐQH:​ xác định & không xác định:

    • MĐQH xác định thì bắt buộc phải có trong câu để danh từ được rõ nghĩa.

    • MĐQH không xác định thì không nhất thiết phải có trong câu.

  • Các đại từ quan hệ: who, whom, which, whose, that.

  • Các trạng từ quan hệ: where, when, why.

  • Một số lưu ý khác:

    • Trong trường hợp MĐQH có giới từ đi kèm thì giới từ có thể đứng đầu hoặc cuối MĐQH.

    • Trong trường hợp giới từ đó là thuộc phrasal verb thì nó không thể đứng đầu MĐQH được.

    • Whom có thể được thay bằng who, nhưng thường được xem là không chuẩn.

    • Có thể lược bỏ whom which khi chúng đóng vai trò tân ngữ trong các mệnh đề quan hệ xác định.

    • Chúng ta có thể dùng which để thay thể cho toàn bộ mệnh đề phía trước.

    • Chúng ta cũng có thể rút gọn mệnh đề quan hệ trong một số trường hợp.

 

7. Rút gọn mệnh đề quan hệ

Trong nội dung bài học ở trên, các bạn đã biết được cấu trúc của một Mệnh đề quan hệ như thế nào. Nhưng trong thực tế đôi khi bạn sẽ gặp những câu tiếng Anh không có đại từ quan hệ nhưng vẫn là mệnh đề quan hệ nhưng ở dạng rút gọn vì đại từ quan hệ đã đươc lượt bỏ.

Ví dụ những câu đã được rút gọn mệnh đề quan hệ như:

  • The old man living near my house goes to work by bus every day.
  • The cat lying on the floor won't get up.

Vậy làm sao để chuyển đổi một câu mệnh đề quan hệ bình thường thành dạng rút gọn? Bạn hãy tham khảo hướng dẫn cách để rút gọn mệnh đề quan hệ tại đây.

Ngoài ra trong quá trình làm bài bạn sẽ gặp những câu có cấu trúc đặc biệt và khó để xác định đây có phải là câu có mệnh đề quan hệ đã được rút gọn hay không, hãy xem qua cách nhận biết câu có mệnh đề quan hệ được rút gọn để hiểu hơn về điểm ngữ pháp này nhé.