Mục lục:
1. Thể bị động là gì?
✅ Tóm tắt:
Công thức bị động: to be + V3
trong đó, to be chia theo thì của động từ chủ động, V3 là dạng quá khứ phân từ của động từ chủ động
Thể bị động là gì?
? Thể bị động là thể động từ ngược lại với thể chủ động: chủ ngữ "bị" làm gì đó thay vì chủ ngữ làm gì đó.
Trong tiếng Việt, chúng ta có thể tạo ra thể bị động bằng cách thêm từ "bị" hoặc "được" vào trước động từ:
- viết → được viết
- phạt → bị phạt
Thể bị động của tiếng Anh thì phụ thuộc vào dạng (form) hay thì (tense) của động từ đó, ví dụ:
- Dạng V-ing của động từ: writing → being written
- Dạng To Infinitive của động từ: to write → to be written
- Thì hiện tại hoàn thành: have written → have been written
- Thì quá khứ tiếp diễn: was writing → was being written
Nếu bạn chưa biết về 4 dạng và 12 thì của động từ, bạn có thể học ở đây.
Vậy làm sao để chúng ta chuyển từ thể chủ động sang thể bị động? Đơn giản lắm:
Trước hết, bạn xem động từ ở thể chủ động:
- Xác định động từ đang ở dạng nào hay thì nào?
- Động từ này có dạng nguyên mẫu là gì?
Sau đó, chuyển sang thể bị động:
- Chia động từ to be theo dạng hoặc thì của thể chủ động.
- Động từ thì đổi từ dạng nguyên mẫu sang dạng quá khứ phân từ V3.
- Sau đó ghép to be (đã chia động từ) và V3 lại với nhau, chúng ta có thể bị động.
Cách chuyển đổi này áp dụng cho tất cả các dạng và các thì động từ, vì vậy bạn không cần phải nhớ công thức bị động cho từng dạng hay từng thì đâu!
Chúng ta hãy cùng xem một số ví dụ để hiểu rõ hơn cách tạo thể bị động ở trên nhé:
Ví dụ 1: writing
- Động từ đang ở dạng V-ing.
- Động từ nguyên mẫu là write.
Chuyển sang thể bị động:
- Động từ to be chia ở dạng V-ing: being.
- Động từ write đổi sang dạng V3: written.
- Ghép lại với nhau: being written.
Ví dụ 2: was eating
- Động từ đang ở thì quá khứ tiếp diễn (cho danh từ số ít).
- Động từ nguyên mẫu là eat.
Chuyển sang thể bị động:
- Động từ to be chia ở thì quá khứ tiếp diễn (cho danh từ số ít): was being
- Động từ eat đổi sang dạng V3: eaten.
- Ghép lại với nhau: was being eaten.
Ví dụ 3: will have finished
- Động từ đang ở thì tương lai hoàn thành.
- Động từ nguyên mẫu là finish.
Chuyển sang thể bị động:
- Động từ to be chia ở thì tương lai hoàn thành (cho danh từ số ít): will have been.
- Động từ finish đổi sang dạng V3: finished.
- Ghép lại với nhau: will have been finished.
Dưới đây là ví dụ cách chuyển từ thể chủ động sang thể bị động cho tất cả 4 dạng và 12 thì của động từ write nếu bạn cần tham khảo thêm:
Dạng / Thì | Thể chủ động | Thể bị động |
---|---|---|
Dạng nguyên mẫu | write | written |
Dạng To + Verb | to write | to be written |
Dạng V-ing | writing | being written |
Dạng V3 | (không có) | (không có) |
Thì hiện tại đơn | write/writes | am/is/are written |
Thì hiện tại tiếp diễn | am/is/are writing | am/is/are being written |
Thì hiện tại hoàn thành | have/has written | have/has been written |
Thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn | have/has been writing | have/has been being written |
Thì quá khứ đơn | wrote | was/were written |
Thì quá khứ tiếp diễn | was/were writing | was/were being written |
Thì quá khứ hoàn thành | had written | had been written |
Thì quá khứ hoàn thành tiếp diễn | had been writing | had been being written |
Thì tương lai đơn | will write | will be written |
Thì tương lai tiếp diễn | will be writing | will be being written |
Thì tương lai hoàn thành | will have written | will have been written |
Thì tương lai hoàn thành tiếp diễn | will have been writing | will have been being written |
2. Cách viết câu bị động trong tiếng Anh
✅ Tóm tắt:
2 lý do phải dùng câu bị động:
- Nhấn mạnh vào đối tượng bị tác động
- Chủ thể thực hiện hành động không rõ ràng, không quan trọng hoặc không muốn đề cập đến.
Công thức câu bị động: [Đối tượng bị tác động] + [Động từ bị động] + by [Chủ thể thực hiện hành động]
Khi nào cần dùng câu bị động?
Vì sao chúng ta cần dùng câu bị động trong tiếng Anh khi đã có thể dùng câu chủ động? Lý do là bởi vì có 2 trường hợp mà câu chủ động không diễn đạt được:
Trường hợp 1: Dùng để nhấn mạnh vào đối tượng bị tác động bởi một hành động, thay vì chủ thể gây ra hành động.
-
Chủ động: A dog bit my son. → chủ thể gây ra hành động là "a dog" → Một con chó đã cắn con trai tôi.
-
Bị động: My son was bitten by a dog. → nhấn mạnh đối tượng bị tác động "my son" → Con trai tôi đã bị chó cắn.
-
Chủ động: Mark has tricked me. → chủ thể gây ra hành động là "Mark" → Mark đã lừa tôi.
-
Bị động: I have been tricked by Mark. → nhấn mạnh đối tượng bị tác động "I" → Tôi bị Mark lừa.
My son was bitten by a dog.
Trường hợp 2: Khi chủ thể gây ra hành động trong câu không rõ là ai, không quan trọng hoặc không muốn đề cập đến.
-
My credit card has been stolen! → Thẻ tin dụng của tôi bị trộm. → Ta không biết ai là người lấy trộm.
-
A mistake was made. → Có một lỗi sai phạm. → Người nói không biết hoặc không muốn chỉ rõ ai là người gây lỗi.
My credit card has been stolen!
Tuy nhiên chúng ta cũng nên lưu ý là, ngoài 2 trường hợp này ra thì chúng ta vẫn nên ưu tiên dùng câu chủ động cho các trường hợp bình thường, bởi vì nếu dùng câu bị động sẽ không tự nhiên bằng.
Cách chuyển từ câu chủ động sang câu bị động
-
Bước 1: Tìm tân ngữ của câu chủ động, viết lại thành chủ ngữ.
-
Bước 2: Xác định động từ chia ở thì (tense) của câu, rồi chuyển nó thành thể bị động như đã học ở trên mục 1.
-
Bước 3: Xác định chủ ngữ của câu chủ động, chuyển ra cuối câu và thêm by vào phía trước.
-
Lưu ý là chúng ta có thể bỏ những chủ ngữ mơ hồ, chẳng hạn như by people, by someone, by a woman, by him, vân vân...
-
Ví dụ chuyển từ câu chủ động sang câu bị động:
-
Annalise ate the cheese cake. = Annalise đã ăn cái bánh phô mai.
→ The cheese cake was eaten (by Annalise). = Cái bánh phô mai đã bị (Annalise) ăn. -
Patrick is using Tim's computer. = Patrick đang sử dụng máy tính của Tim.
→ Tim's computer is being used (by Patrick). = Máy tính của Tim đang được (Patrick) sử dụng. -
Mary hasn't read his letter yet. = Mary chưa đọc thư của anh ấy.
→ His letter hasn't been read (by Mary) yet. = Thư của anh ấy chưa được (Mary) đọc. -
He will finish the report soon. = Anh ấy sẽ làm xong bản báo cáo sớm.
→ The report will be finished soon. = Bản báo cáo sẽ được làm xong sớm.
Ngay cả câu hỏi (câu nghi vấn) cũng có thể áp dụng cách chuyển trên:
-
How many languages do people speak in Canada? = Người ta nói bao nhiêu ngôn ngữ ở Canada?
→ How many languages are spoken in Canada? = Có bao nhiêu ngôn ngữ được nói ở Canada? -
Should they print this out for you? = Họ có nên in cái này ra cho bạn không?
→ Should this be printed out for you? = Cái này có nên được in ra cho bạn không?
3. Một số lỗi sai có thể mắc phải liên quan đến câu bị động
Điều kiện để chuyển được từ câu chủ động sang câu bị động
Từ công thức câu bị động trên, ta thấy là Tân ngữ của câu chủ động sẽ được chuyển thành Chủ ngữ của câu bị động. Do đó, trong trường hợp câu ở chủ động KHÔNG có tân ngữ thì ta KHÔNG THỂ chuyển thành câu bị động được. Ví dụ:
-
The sun rises in the East. = Mặt trời mọc ở hướng đông.
→ không có tân ngữ nên không chuyển được. -
She arrived late for the meeting. = Cô ấy đến buổi họp trễ.
→ không có tân ngữ nên không chuyển được.
Trong tiếng Anh, có nhiều động từ không có tân ngữ, ví dụ như sleep, smile, cry, arrive, vân vân...
Học thêm về các động từ không có tân ngữ ở bài học Nội Động Từ - Ngoại Động Từ.
Khi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh
Chúng ta lưu ý rằng, không phải khi nào gặp từ "bị" trong tiếng Việt thì chúng ta đều có thể dùng thể bị động, bởi vì từ "bị" trong tiếng Việt có 2 nghĩa khác nhau:
- Nghĩa bị động:
- Cái cây đã bị đốn→ một chủ thể khác thực hiện hành động "đốn" lên cái cây; cái cây "bị động".
- Nghĩa chủ động, nhưng đây là một hành động không mong muốn:
- Cái cây bị đổ → bản thân cái cây thực hiện hành động "đổ", nhưng hành động này là không mong muốn.
Chính vì từ "bị" trong tiếng Việt có thể diễn tả vừa nghĩa bị động vừa nghĩa chủ động, nên ta phải lưu ý khi dịch sang tiếng Anh. Trong tiếng Anh, ta chỉ dùng thể bị động đối với nghĩa bị động. Còn đối với nghĩa chủ động, ta phải dùng thể chủ động.
Cụ thể trong 2 ví dụ trên, chúng ta dùng như sau:
- Cái cây đã bị đốn = The tree was chopped down.
- Một chủ thể khác thực hiện hành động "đốn" lên cái cây, vì vậy ta dùng thể bị động cho động từ chop down.
- Cái cây đã bị đổ = The tree fell.
- Bản thân cái cây thực hiện hành động "đổ", vì vậy ta dùng thể chủ động cho động từ fall.
4. Một số lưu ý khác về câu bị động
✅ Tóm tắt:
- Khi câu chủ động có động từ chính đi kèm với một giới từ, giới từ phải được giữ nguyên khi chuyển sang câu bị động.
- Nếu câu chủ động có 2 tân ngữ thì có 2 cách để chuyển sang câu bị động.
- Dạng bị động của các động từ khiếm khuyết là: ĐỘNG TỪ KHIẾM KHUYẾT + DẠNG BỊ ĐỘNG CỦA ĐỘNG TỪ NGUYÊN MẪU.
- Dạng bị động của V-ing là Being V3, dạng bị động của To Verb là To be V3.
- Trong câu bị động, cụm từ chỉ nơi chốn và thời gian có thể đứng trước hay sau by... mà không có nhiều khác biệt về nghĩa.
- Chúng ta cũng có thể sử dụng to get thay cho to be trong câu bị động trong một số tình huống.
Lưu ý 1: Khi câu chủ động có động từ chính đi kèm với một giới từ, giới từ phải được giữ nguyên khi chuyển sang câu bị động.
- They looked for the baby. → The baby was looked for.
- The technician is setting up the computer → The computer is being set up (by the technician).
Lưu ý 2: Vị trí của cụm từ chỉ nơi chốn và thời gian so với "by..."
Với các câu chủ động có cụm từ chỉ nơi chốn và thời gian so với by... thì trong câu bị động, chúng ta có thể đặt cụm từ chỉ nơi chốn và thời gian trước hay sau by... đều đúng ngữ pháp và không có nhiều sự khác biệt về nghĩa.
Ví dụ:
-
Sophie baked the cake this morning.
→ The cake was baked this morning by Sophie hoặc The cake was baked by Sophie this morning. -
Ryan wrote the report at home.
→ The report was written at home by Ryan hoặc The report was written by Ryan at home.
Lưu ý 3: Nếu câu chủ động có 2 tân ngữ thì có 2 cách để chuyển sang câu bị động
Ví dụ:
- They gave her a new book.
→ Câu này có 2 tân ngữ: her và new book
Thực tế câu này cũng có thể viết lại như sau:
- They gave a book to her.
→ a book là tân ngữ của gave, her là tân ngữ của to
Như vậy, ví dụ này có thể được chuyển sang câu bị động như sau:
- They gave her a new book. → A new book was given to her.
- They gave her a new book. → She was given a book.
Lưu ý 4: Dạng bị động của các động từ khiếm khuyết
Dạng chủ động của các động từ khiếm khuyết là: ĐỘNG TỪ KHIẾM KHUYẾT + ĐỘNG TỪ NGUYÊN MẪU
→ Dạng bị động của các động từ khiếm khuyết là: ĐỘNG TỪ KHIẾM KHUYẾT + DẠNG BỊ ĐỘNG CỦA ĐỘNG TỪ NGUYÊN MẪU
Ví dụ:
- can write
→ Động từ nguyên mẫu là: write
→ Bị động của động từ nguyên mẫu là: be written
→ Bị động của toàn bộ cụm động từ khiếm khuyết là: can be written
- should have written
→ Động từ nguyên mẫu là: have written
→ Bị động của động từ nguyên mẫu là: have been written
→ Bị động của toàn bộ cụm động từ khiếm khuyết là: should have been written
Ví dụ trong câu:
- He should have written the report yesterday.
Anh ấy đáng lẽ ra đã phải viết báo cáo vào hôm qua.
→ - The report should have been written yesterday.
Báo cáo đáng lẽ ra đã phải được viết vào hôm qua.
Lưu ý 5: Dạng bị động của V-ing và To Verb
Chúng ta vẫn áp dụng theo chuyển đổi từ chủ động sang bị động giống như ở mục 1 ở đầu bài học:
- V-ing → being V3
- to Verb → to be V3
Ví dụ:
- building → being built
- watching → being watched
- to build → to be built
- to watch → to be watched
Ví dụ trong câu:
- I don't like people watching me while I'm working.
Tôi không thích người ta nhìn tôi khi tôi đang làm việc.
→ - I don't like being watched while I'm working.
Tôi không thích bị nhìn khi tôi đang làm việc.
- We expect them to build a new bridge next year.
Chúng tôi kì vọng họ sẽ xây một cây cầu mới vào năm sau.
→ - We expect a new bridge to be build next year.
Chúng tôi kì vọng một cây cầu mới sẽ được xây vào năm sau.
Lưu ý 6: Chúng ta cũng có thể sử dụng to get thay cho to be trong câu bị động.
- He was kicked in the face by accident.
- He got kicked in the face by accident.
Cả 2 câu trên đều có nghĩa là: "Anh ấy vô tình bị đá vào mặt". Chúng ta có thể dùng động từ to get thay cho to be trong các trường hợp bất lợi hoặc có lợi, nhưng thường không dùng trong các trường hợp trung tính.
- My watch got stolen. = My watch was stolen. = Đồng hồ đeo tay của tôi bị trộm mất.
Đây là một tình huống bất lợi, nên ta có thể dùng to get. - My book got published. = My book was published. = Sách của tôi đã được phát hành.
Đây là một tình huống có lợi, nên ta có thể dùng to get. - These eggs were bought at the store down the road. = Mấy quả trứng này được mua ở tiệm cuối con đường.
Đây là một tình huống trung tính, nên ta thường không dùng to get.
5. Tổng kết
? Ghi nhớ:
-
Thể bị động là ngược lại với thể chủ động: chủ ngữ "bị" làm gì đó thay vì chủ ngữ làm gì đó.
-
Cách chuyển từ chủ động sang bị động: to be + V3
-
2 trường hợp dùng câu bị động:
-
Dùng để nhấn mạnh vào đối tượng bị tác động.
-
Dùng khi chủ thể gây ra hành động không rõ là ai hoặc không quan trọng hoặc không muốn đề cập đến.
-
-
Chuyển từ câu chủ động sang câu bị động qua 3 bước dễ dàng:
-
Bước 1: Tìm tân ngữ của câu chủ động, viết lại thành chủ ngữ.
-
Bước 2: Xác định động từ chia thì của câu, rồi chuyển nó thành thể bị động.
-
Bước 3: Xác định chủ ngữ của câu chủ động, chuyển ra cuối câu và thêm by vào phía trước.
-
-
Câu ở chủ động KHÔNG có tân ngữ thì KHÔNG THỂ chuyển được thành câu bị động.
-
Lưu ý, từ "bị" trong tiếng Việt có 2 nghĩa, nhưng chỉ với nghĩa "bị động" thì ta mới sử dụng thể bị động mà thôi.
-
Một số lưu ý về câu bị động:
- Khi câu chủ động có động từ chính đi kèm với một giới từ, giới từ phải được giữ nguyên khi chuyển sang câu bị động.
- Nếu câu chủ động có 2 tân ngữ thì có 2 cách để chuyển sang câu bị động.
- Dạng bị động của các động từ khiếm khuyết là: ĐỘNG TỪ KHIẾM KHUYẾT + DẠNG BỊ ĐỘNG CỦA ĐỘNG TỪ NGUYÊN MẪU.
- Dạng bị động của V-ing là Being V3, dạng bị động của To Verb là To be V3.
- Trong câu bị động, cụm từ chỉ nơi chốn và thời gian có thể đứng trước hay sau by... mà không có nhiều khác biệt về nghĩa.
- Chúng ta cũng có thể sử dụng to get thay cho to be trong câu bị động.