Mục lục:
1. Câu tường thuật là gì?
? Câu tường thuật, hay còn gọi là câu gián tiếp, là câu được dùng khi chúng ta muốn thuật lại hay kế lại một câu mà người khác đã nói.
Ví dụ như bạn Lisa nói câu sau đây:
Chúng ta có 2 cách để kể lại với người khác rằng bạn Lisa đã nói gì:
-
Lặp lại y nguyên lời Lisa đã nói: Lisa said, 'I'm tired.' = Lisa nói 'Mình mệt."
-
Hoặc thuật lại lời nói của Lisa: Lisa said that she was tired. = Lisa nói rằng cô ấy mệt.
→ Đây được gọi là câu tường thuật.
2. Cách chuyển từ câu trực tiếp sang câu tường thuật
✅ Tóm tắt:
4 bước để chuyển từ câu trực tiếp sang câu tường thuật:
- B1: Chọn từ tường thuật: said, told, vân vân
- B2: "Lùi thì" động từ
- B3: Đổi các đại từ và các tính từ sở hữu
- B4: Đổi các từ chỉ nơi chốn và thời gian
Như bạn cũng có thể thấy ở trên, câu trực tiếp và câu gián tiếp khá là khác nhau. Câu trực tiếp mà bạn Lisa nói là I'm tired, nhưng câu mà chúng ta thuật lại là Lisa said that she was tired.
Hãy cùng học 4 bước để chuyển một câu trực tiếp sang câu tường thuật như thế nào thông qua một ví dụ nhé!
Giả sử chúng ta nghe bạn Tom nói:
I want to see this movie with my girlfriend tomorrow.
Tôi muốn xem bộ phim này với bạn gái của tôi ngày mai.
Bước 1: Chọn từ tường thuật
Để thuật lại một câu người khác đã nói, chúng ta sẽ nói là "Anh ấy nói rằng..." hay "Cô ấy nói rằng..."
Trong tiếng Anh, chúng ta thường dùng 2 động từ là said (quá khứ đơn của say, có nghĩa là nói) và told (quá khứ đơn của tell, có nghĩa là nói với ai đó):
-
Tom said that...
Tom nói rằng... -
Tom told Kelly that...
Tom nói với Kelly rằng...
2 ví dụ trên cũng cho thấy sự khác nhau của said và told là:
- Từ told bắt buộc phải dùng khi chúng ta muốn thuật lại rằng Tom nói với một người khác.
- Còn nếu không muốn nhắc đến người khác này, thì chúng ta dùng từ say.
Ngoài said và told, chúng ta còn có thể sử dụng nhiều từ khác để miêu tả rõ tính chất của lời nói hơn:
- asked = yêu cầu
- denied = phủ nhận
- promised = hứa
- suggested = gợi ý, đề nghị
- và nhiều từ khác
Tuy nhiên, những từ này thường không sử dụng cấu trúc said that hay told somebody that, mà sử dụng cấu trúc V-ing hoặc To + Verb, ví dụ như asked somebody + To Verb hay denied + V-ing.
Trong bài học này, để làm quen với câu gián tiếp, bạn chỉ cần ghi nhớ 2 từ said và told là đủ rồi. Nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ về những từ trên, bạn có thể học ở các bài V-ing và To Infinitive nhé!
Ngoài ra, cũng giống như tiếng Việt chúng ta thường lược bỏ từ rằng để câu được gọn hơn, thì trong tiếng Anh từ that cũng có thể được lược bỏ:
- Tom said that... = Tom said...
Tom nói rằng... = Tom nói...
Với những kiến thức trên, câu tường thuật tạm thời đến bước này là:
I want to see this movie with my girlfriend tomorrow.
→ Tom said that I want to see this movie with my girlfriend tomorrow.
Bước 2: "Lùi thì" động từ trong câu trực tiếp về quá khứ
Để diễn đạt rằng lời nói được thuật lại là ở trong quá khứ và có thể không đúng ở hiện tại, chúng ta cần phải đưa động từ về thì quá khứ. Thao tác này thường được gọi là "lùi thì".
Chúng ta "lùi thì" một cách tổng quát như sau:
- Hiện tại → Quá khứ
- Tương lai → Tương lai trong quá khứ
- Quá khứ → Quá khứ hoàn thành
Cụ thể như sau:
Câu trực tiếp | Câu tường thuật |
---|---|
Hiện tại đơn ví dụ: work | Quá khứ đơn worked |
Hiện tại tiếp diễn is/are working | Quá khứ tiếp diễn was/were working |
Hiện tại hoàn thành have/has worked | Quá khứ hoàn thành had worked |
Hiện tại hoàn thành tiếp diễn have/has been working | Quá khứ hoàn thành tiếp diễn had been working |
Tương lai đơn will work | Tương lai đơn trong quá khứ would work |
Tương lai tiếp diễn will be working | Tương lai tiếp diễn trong quá khứ would be working |
Tương lai hoàn thành will have worked | Tương lai hoàn thành trong quá khứ would have worked |
Tương lai hoàn thành tiếp diễn will have been working | Tương lai hoàn thành tiếp diễn trong quá khứ would have been working |
Quá khứ đơn worked | Quá khứ hoàn thành had worked |
Quá khứ tiếp diễn was/were working | Quá khứ hoàn thành tiếp diễn had been working |
Quá khứ hoàn thành had worked | Quá khứ hoàn thành (không đổi vì không thể lùi thì được nữa) had worked |
Quá khứ hoàn thành tiếp diễn had been working | Quá khứ hoàn thành tiếp diễn (không đổi vì không thể lùi thì được nữa) had been working |
Còn các động từ khiếm khuyết sẽ được biến đổi như sau:
- can → could
- may → might
- must = bắt buộc → had to
- must = chắc hẳn → must (không đổi)
- could → could (không đổi)
- might → might (không đổi)
- should → should (không đổi)
Trong câu ví dụ của chúng ta, động từ want sẽ được đổi thành dạng quá khứ wanted. Vì vậy, câu tường thuật tạm thời đến bước này là:
I want to see this movie with my girlfriend tomorrow.
→ Tom said that I wanted to see this movie with my girlfriend tomorrow.
Bước 3: Đổi các đại từ và các tính từ sở hữu
Khi Tom nói "Tôi muốn xem bộ phim đó với bạn gái của tôi ngày mai", "tôi" ở đây là đang ám chỉ đến Tom đúng không nào!
Vì vậy, khi thuật lại câu nói của Tom, chúng ta không thể thuật lại là "tôi muốn xem bộ phim" được, vì "tôi" lúc đó là chúng ta. Cho nên trong câu tường thuật, "tôi" phải chuyển đổi thành "anh ấy" cho tương ứng.
Hiểu được quy tắc này, khi chuyển câu trực tiếp sang câu gián tiếp bạn sẽ cần phải đổi các đại từ cho tương ứng.
Dưới đây là bảng chuyển đổi đại từ trong câu tường thuật. Bạn thực sự không cần nhớ hết bảng dưới đây mà chỉ cần hiểu quy tắc là đủ rồi. Bảng này chỉ để cho bạn tham khảo trong trường hợp lỡ có quên thôi:
Câu trực tiếp | Câu tường thuật |
---|---|
I | he / she |
we | they |
you (số ít) | he / she / I |
you (số nhiều) | they |
me | him / her |
us | them |
you (số ít) | him / her / me |
you (số nhiều) | them |
myself | himself / herself |
ourselves | themselves |
yourself | himself / herself / myself |
yourselves | themselves |
Tương tự như vậy, các đại từ sở hữu và tính từ sở hữu cũng cần phải đổi tương ứng:
Câu trực tiếp | Câu tường thuật |
---|---|
my | his / her |
our | their |
your (số ít) | his / her / my |
your (số nhiều) | their |
mine | his / hers |
ours | theirs |
yours (số ít) | his / her / mine |
yours (số nhiều) | theirs |
Như vậy trong câu ví dụ của chúng ta, I sẽ được đổi thành he, còn my sẽ được đổi thành his. Vì vậy, câu tường thuật tạm thời đến bước này là:
I want to see this movie with my girlfriend tomorrow.
→ Tom said that he wanted to see this movie with his girlfriend tomorrow.
Bước 4: Đổi các từ chỉ nơi chốn và thời gian
Chúng ta cũng cần phải đổi các từ chỉ nơi chốn và thời gian. Điều này cũng khá dễ hiểu, vì khi tường thuật lại câu nói của người khác, chúng ta thường không còn ở vị trí và thời điểm khi người đó nói nữa.
Vì vậy, các từ chỉ nơi chốn và thời gian sẽ được đổi như sau:
Câu trực tiếp | Câu tường thuật |
---|---|
here | there |
now | then |
today | that day |
tonight | that night |
yesterday | the previous day the day before |
tomorrow | the following day the next day |
(two weeks) ago | (two weeks) before |
last (month) | the previous month the month before |
next (month) | the following month the next month |
this | that |
these | those |
Như vậy trong câu ví dụ của chúng ta, this đổi thành that, còn tomorrow đổi thành the following day. Cuối cùng, chúng ta đã có câu tường thuật hoàn chỉnh:
I want to see this movie with my girlfriend tomorrow.
→ Tom said that he wanted to see that movie with his girlfriend the following day.
3. Câu tường thuật cho câu hỏi
✅ Tóm tắt:
- Câu tường thuật cho câu hỏi có từ hỏi:
Tương tự như câu bình thường nhưng với một số khác biệt:- Giữ lại từ hỏi
- Đổi lại vị trí của chủ ngữ và động từ / trợ động từ
- Cũng có thể dùng cấu trúc To + Verb nếu chủ ngữ trong câu hỏi là I
- Câu tường thuật cho câu hỏi Yes/No:
Tương tự như câu bình thường nhưng với một số khác biệt:- Dùng từ tường thuật: asked, wondered, wanted to know, vân vân
- Thêm từ if hoặc whether trước câu hỏi
- Đổi lại vị trí của chủ ngữ và động từ / trợ động từ
Câu tường thuật cho một câu hỏi cũng tương tự như câu tường thuật cho một câu bình thường như trên, chỉ có một số khác biệt sau đây:
Dùng từ tường thuật khác
Nếu như trong câu tường thuật bình thường, chúng ta dùng từ said hoặc told để chỉ ý nghĩa "nói" thì trong câu tường thuật cho câu hỏi chúng ta dùng các từ như asked, wondered, hoặc wanted to know để diễn đạt ý "hỏi".
- asked = hỏi
- wondered = băn khoăn, thắc mắc
- wanted to know = muốn biết
Câu hỏi có từ hỏi
Đối với câu tường thuật của câu hỏi có từ hỏi (what, who, when, where, why, how, vân vân), bạn cần:
- Giữ lại từ hỏi
- Đổi lại vị trí của chủ ngữ và động từ / trợ động từ
Ta cùng chuyển đổi câu hỏi sau thành câu tường thuật nhé:
Tom said "Where can I find Lisa?"
Trước hết, ta áp dụng cách chuyển đổi câu tường thuật bình thường:
- Chọn từ tường thuật: vì đây là câu hỏi nên ta dùng từ asked (hỏi)
- Lùi thì động từ: lùi thì can thành could
- Đổi các đại từ và các tính từ sở hữu: đổi I thành he
→ Tom asked where could he find Lisa.
Bây giờ, ta làm thêm 2 bước nữa:
- Giữ lại từ hỏi: giữ lại từ where
- Hoán đổi vị trí của chủ ngữ và động từ / trợ động từ: could he hoán đổi thành he could
→ Tom asked where he could find Lisa.
Tadah! Vậy là chúng ta đã tường thuật được câu hỏi của Tom rồi: Tom asked where he could find Lisa.
Ví dụ:
-
Câu hỏi: When does the meeting start?
Câu tường thuật: She asks when the meeting starts? -
Câu hỏi: What are you doing?
Câu tường thuật: She asked me what I was doing.
Ngoài ra, nếu chủ ngữ trong câu hỏi là I thì chúng ta có thể dùng To + Verb:
- Câu hỏi: Where can I find Lisa?
Câu tường thuật 1: He asked where he could find Lisa.
Câu tường thuật 2: He asked where to find Lisa.
Câu hỏi Yes/No
Đối với câu tường thuật của câu hỏi Yes/No, bạn cần:
- Thêm từ if hoặc whether trước câu hỏi
- Đổi lại vị trí của chủ ngữ và động từ / trợ động từ
Ta cùng chuyển đổi câu hỏi sau thành câu tường thuật nhé:
Lisa said to Ben "Did you see Tom this morning?"
Trước hết, ta áp dụng cách chuyển đổi câu tường thuật bình thường:
- Chọn từ tường thuật: vì Lisa hỏi Anna nên chúng ta dùng asked Ben (hỏi Ben)
- Lùi thì động từ: lùi thì did see thành had seen
- Đổi các đại từ và các tính từ sở hữu: đổi you thành he (vì you trong câu gốc chính là Ben)
- Đổi các từ chỉ nơi chốn và thời gian: đổi this morning thành that morning
→ Lisa asked Ben had he seen Tom that morning.
Bây giờ, ta làm thêm 2 bước nữa:
- Thêm từ if hoặc whether trước câu hỏi: Lisa asked Ben if had he seen Tom that morning.
- Hoán đổi vị trí của chủ ngữ và động từ / trợ động từ: had he seen hoán đổi thành he had seen
→ Lisa asked Ben if he had seen Tom that morning.
Vậy là chúng ta đã tường thuật được câu hỏi của Lisa rồi: Lisa asked Ben if he had seen Tom that morning.
Ví dụ:
-
Câu hỏi: Will Jen come to the party next week?
Câu tường thuật: He asked if Jen would come to the party the following week. -
Câu hỏi: Have you done your homework?
Câu tường thuật: My mother asked me whether I had done my homework.
4. Câu tường thuật cho câu cầu khiến
✅ Tóm tắt:
Tương tự như câu bình thường nhưng với một số khác biệt:
- Dùng từ tường thuật: asked, told, hoặc requested
- Biến đổi động từ thành dạng To + Verb
Câu tường thuật cho một câu cầu khiến cũng tương tự như câu tường thuật cho một câu bình thường như trên, chỉ có một số khác biệt sau đây:
Dùng từ tường thuật khác
Nếu như trong câu tường thuật bình thường, chúng ta dùng từ said hoặc told để chỉ ý nghĩa "nói" thì trong câu tường thuật cho câu hỏi chúng ta dùng các từ như asked, told, hoặc requested để diễn đạt ý "yêu cầu".
- asked = yêu cầu, nhờ
- told = bảo
- requested = yêu cầu
Người được yêu cầu sẽ đi theo sau các động từ tường thuật trên.
Biến đổi động từ cầu khiến
Rất may là việc biến đổi động từ cầu khiến rất dễ dàng. Bạn không cần phải "lùi thì" gì cả, chỉ cần biến đổi thành dạng To + Verb.
Ví dụ:
-
Câu cầu khiến: Stand up!
Câu tường thuật: He told me to stand up. -
Câu cầu khiến: Open the door!
Câu tường thuật: She asked him to open the door.
5. Những trường hợp không "lùi thì"
✅ Tóm tắt:
Những trường hợp không "lùi thì":
- Từ tường thuật KHÔNG ở thì quá khứ
- Lời nói được thuật lại diễn tả một chân lý hay một thói quen ở hiện tại
- Lời nói được thuật lại diễn tả một việc vẫn đúng ở hiện tại
Trường hợp 1: Từ tường thuật (ví dụ như say, tell, ask) không ở thì quá khứ
Trong trường hợp từ tường thuật không ở thì quá khứ mà ở các thì hiện tại hay tương lai thì chúng ta không cần phải "lùi thì".
Hãy so sánh các ví dụ sau:
- Ví dụ 1:
- Lisa said, "My parents are living in Thailand." → Lisa said that her parents were living in Thailand.
Từ tường thuật said ở thì quá khứ đơn, nên chúng ta phải lùi thì động từ của are living thành were living. - Lisa is saying, "My parents are living in Thailand." → Lisa is saying that her parents are living in Thailand.
Từ tường thuật is saying ở thì hiện tại tiếp diễn, nên chúng ta giữ nguyên thì động từ là are living.
- Lisa said, "My parents are living in Thailand." → Lisa said that her parents were living in Thailand.
- Ví dụ 2:
- I wondered, "Is Thomas happy with the results?" → I wondered if Thomas was happy with the results.
Từ tường thuật wondered ở thì quá khứ đơn, nên chúng ta phải lùi thì động từ của is thành was. - I wonder, "Is Thomas happy with the results?" → I wonder if Thomas is happy with the results.
Khác với câu trên, ở đây wonder ở thì hiện tại đơn, nên chúng ta giữ nguyên thì động từ là is.
- I wondered, "Is Thomas happy with the results?" → I wondered if Thomas was happy with the results.
Trường hợp 2: Lời nói được thuật lại diễn tả một chân lý hay một thói quen ở hiện tại
Khi thuật lại một chân lý hay một thói quen ở hiện tại, chúng ta ngầm hiểu rằng lời nói mà chúng ta thuật lại luôn luôn đúng, cho dù thời gian và địa điểm đã thay đổi. Vì vậy, không cần "lùi thì".
Ví dụ:
- The teacher said, 'The sun rises in the East.' → The teacher said that the sun rises in the East.
Vì sự việc "Mặt trời mọc ở hướng đông" là một sự thật hiển nhiên, chúng ta vẫn giữ nguyên rises mà không cần phải "lùi thì".
Trường hợp 3: Lời nói được thuật lại là một việc vẫn đúng ở hiện tại
Như đã nhắc đến ở trên, mục đích của việc "lùi thì" là để cho thấy lời nói được thuật lại có thể không đúng ở hiện tại. Tuy nhiên, nếu bạn biết chắc là nó vẫn đúng thì không cần phải "lùi thì".
Ví dụ:
- Ellen said, 'I will go to study in France.' = Ellen nói 'Tôi sẽ đi học ở Pháp'.
→ Ellen said that she would go to study in France. (Lùi thì như bình thường, nếu bạn KHÔNG biết chắc rằng Ellen còn ý định đi học ở Pháp hay không)
→ Ellen said that she will go to study in France. (KHÔNG lùi thì nếu bạn biết chắc chắn rằng Ellen vẫn muốn đi học ở Pháp) - Allen said, 'If I had $1 million, I would buy a mansion'. = Allen nói 'Nếu tôi có 1 triệu đô, tôi sẽ mua một căn biệt thự'.
→ Allen said if he had had $1 million, he would have bought a mansion. (Lùi thì như bình thường, nếu bạn KHÔNG biết chắc chắn rằng Allen có 1 triệu đô và mua biệt thự hay chưa)
→ Allen said if he had $1 million, he would buy a mansion. (KHÔNG lùi thì nếu bạn biết chắc chắn rằng Allen vẫn chưa có 1 triệu đô và chưa mua biệt thự)
6. Tổng kết
? Ghi nhớ:
-
Câu tường thuật là câu được dùng khi chúng ta muốn thuật lại hay kế lại một câu mà người khác đã nói.
-
Chuyển từ câu trực tiếp sang câu tường thuật qua 4 bước:
-
B1: Chọn từ tường thuật: said, told, vân vân
-
B2: "Lùi thì" động từ
-
B3: Đổi các đại từ và các tính từ sở hữu
-
B4: Đổi các từ chỉ nơi chốn và thời gian
-
-
Câu tường thuật cho câu hỏi có từ hỏi:
Tương tự như câu bình thường nhưng với một số khác biệt:-
Giữ lại từ hỏi
-
Đổi lại vị trí của chủ ngữ và động từ / trợ động từ
-
Cũng có thể dùng cấu trúc To + Verb nếu chủ ngữ trong câu hỏi là I
-
-
Câu tường thuật cho câu hỏi Yes/No:
Tương tự như câu bình thường nhưng với một số khác biệt:-
Dùng từ tường thuật: asked, wondered, wanted to know, vân vân
-
Thêm từ if hoặc whether trước câu hỏi
-
Đổi lại vị trí của chủ ngữ và động từ / trợ động từ
-
-
Câu tường thuật cho câu cầu khiến:
Tương tự như câu bình thường nhưng với một số khác biệt:-
Dùng từ tường thuật: asked, told, hoặc requested
-
Biến đổi động từ thành dạng To + Verb
-
-
Những trường hợp không "lùi thì":
-
Từ tường thuật không ở thì quá khứ
-
Lời nói được thuật lại diễn tả một chân lý hay một thói quen ở hiện tại
-
Lời nói được thuật lại là một việc vẫn đúng ở hiện tại
-
Những kiến thức ở trên là tất cả những gì bạn cần biết về câu tường thuật. Hy vọng rằng sau bài học này bạn đã có thể tự tin nói và viết câu tường thuật trong tiếng Anh!